Ngành y tế phải hoàn thành mục tiêu 31-12-2020 thay thế toàn bộ sổ khám sức khoẻ bằng giấy sang hình thức điện tử ( sổ khám bệnh điện tử) để theo dõi cụ thể hồ sơ sức khoẻ của từng người dân.

Hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của Bộ Y tế cùng các đơn vị trực thuộc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả cao.

Quá trình triển khai của Bộ Y tế chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2014 – 2019 và từ tháng 12-2019 đến nay. Ở giai đoạn 2, sau 6 tháng triển khai, đến nay, các đơn vị có cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp 100%  dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, kết nối vào Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế. Với 321 dịch vụ công trực tuyến, từ tháng 1-2020 đến nay, Bộ Y tế đã xử lý trực tuyến 33.429 hồ sơ về các lĩnh vực: trang thiết bị và công trình y tế, an toàn thực phẩm, dược phẩm, khám chữa bệnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến nay, ngành y tế đã lập được trên 90 triệu hồ sơ sức khoẻ điện tử và đang triển khai cập nhật thông tin sức khoẻ của từng người dân từ y tế tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh, trung ương; tích hợp, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân sau này.

Vì thế, lời hứa thứ hai là đến ngày 31-12-2020, toàn bộ thông tin về nguồn lực của ngành y tế phải được cập nhật đầy đủ, phục vụ quản lý nhà nước một cách minh bạch, công khai, toàn xã hội giám sát. “Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống y tế sẵn có, Việt Nam sẽ có nền y tế hiệu quả”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, với việc hoàn thành trực tuyến hóa các thủ tục hành chính, hằng năm hàng trăm ngàn hồ sơ sẽ được nhận, trả, xử lý trực tuyến trên môi trường điện tử, tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, công việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức cũng trở nên thuận tiện, minh bạch, kịp thời hơn.

Ứng dụng sổ khám bệnh điện tử vào thực tế

Trước đó, từ cuối năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án triển khai ứng dụng CNTT tại các trạm y tế xã, phường. Trong đó, giao Cục CNTT xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, theo lộ trình, tháng 7/2019 triển khai đồng loạt toàn quốc. Xóa bỏ sổ khám bệnh bằng giấy, những thông về bệnh nhân sẽ được lưu trong phần mềm bệnh án điện tử và có chữ ký số của cán bộ y tế chịu trách nhiệm. Mỗi bệnh nhân có một mã số ID riêng để sau này phục vụ việc liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế trong cả nước.

Các địa phương hiện nay rất quan tâm, hào hứng và đều có kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Tuy nhiên, điều bất cập là các phần mềm áp dụng hiện chưa liên thông được với nhau. Một số địa phương còn lúng túng khi triển khai trong việc lựa chọn phần mềm, mã định danh y tế, mẫu hồ sơ và các hướng dẫn về khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý…

Theo báo cáo từ 41 tỉnh thành, đến nay, mới chỉ có 31 nơi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Để giải quyết các vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần khẩn trương hướng dẫn xây dựng mã định danh y tế, tiêu chuẩn phần mềm, hướng dẫn kết nối liên thông giữa phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử với các phần mềm khác.

Đồng thời thực hiện việc kết nối phần mềm hồ sơ sức khỏe với các phần mềm quản lý bệnh viện, quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn, để lấy các thông tin bệnh nhân phục vụ cho quá trình điều trị.

Hiện Cục CNTT (Bộ Y tế) đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định phương thức xây dựng mã và quy định về mã định danh y tế, tạo tài khoản người dùng và phân quyền quản lý. Đồng thời, xây dựng chuẩn kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với các hệ thống thông tin y tế liên quan, quy chế sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe, cập nhật dữ liệu và tài chính,…

Một vấn đề khác mà dư luận quan tâm là độ bảo mật thông tin người bệnh. PGS.TS Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) khẳng định, doanh nghiệp cung cấp phần mềm chỉ có trách nhiệm xây dựng triển khai, còn khai thác quản lý dữ liệu là thuộc các Sở y tế. Nếu xảy ra việc lộ thông tin thì doanh nghiệp, nơi quản lý máy chủ phải chịu trách nhiệm.

Do đó cần có một quy chế phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2023, các cơ sở y tế hạng I trở lên phải thực hiện 100% hồ sơ bệnh án điện tử, và hoành thành trên toàn quốc trước ngày 31/12/2030.

Rate this post

Bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.