Nhà thuốc là nơi cung cấp dịch vụ và thông tin chăm sóc sức khỏe được đa số người dân ưa chuộng. Với xu hướng hiện nay tại Việt Nam, nhà thuốc là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Vai trò của nhà thuốc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 bao gồm:

1. Cung ứng thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh

          – Thực hiện các tiêu chuẩn Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP) tại Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày 22/01/2018 của Bộ Y tế quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, nhà thuốc phải cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn phù hợp cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc;

Chỉ được bán thuốc kê đơn khi người bệnh có đơn thuốc theo quy định; tham gia vào hoạt động tự điều trị, bao gồm cung cấp thuốc và tư vấn dùng thuốc không kê đơn; góp phần đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.

          – Hệ thống nhà thuốc tại Thành phố với hơn 6.500 nhà thuốc trong đó có hơn 4.000 nhà thuốc tham gia Chương trình bình ổn thuốc góp phần bình ổn thuốc trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhất là các thuốc thiết yếu.

2. Cung ứng trang thiết bị y tế và phương tiện phòng chống dịch

          – Nhà thuốc được kinh doanh các sản phẩm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, khẩu trang, nước súc miệng, nước sát khuẩn tay, dung dịch khử khuẩn…

          – Tùy vào phạm vi kinh doanh đã đăng ký, nhà thuốc còn có thể được kinh doanh các loại thiết bị theo dõi sức khỏe như máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2), nhiệt kế, test nhanh kháng nguyên COVID-19…

3. Truyền thông biện pháp phòng chống dịch và phát hiện kịp thời ca nghi nhiễm

          – Nhà thuốc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong quá trình hành nghề như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuấn, giữ khoảng cách với người mua thuốc, khai báo y tế…

          – Tuyên truyền cho người dân đến mua thuốc thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng, chống dịch COVID-19.

          – Ngay từ đầu đợt dịch, Sở Y tế đã triển khai công tác khai báo y tế tại nhà thuốc để giám sát và phát hiện kịp thời ca nghi nhiễm. Trường hợp có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở… nhà thuốc hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn. Đồng thời, nhà thuốc thực hiện việc báo cáo cho cơ quan y tế trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVID-19 để tiến hành theo dõi, giám sát.

4. Tham gia tư vấn, hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà

          – Trong thời điểm nhiều người mắc và nghi mắc COVID-19 phải cách ly, theo dõi điều trị tại nhà thì việc tư vấn, hỗ trợ người bệnh là một giải pháp giảm tải cho hệ thống y tế Thành phố, giúp việc theo dõi, điều trị bệnh nhân COVID-19 hiệu quả hơn.

          – Dược sĩ phụ trách chuyên môn và nhân viên nhà thuốc có thể tham gia các tổ tư vấn của Hội Dược học thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường nguồn nhân lực hỗ trợ ngành y tế, góp sức cùng Thành phố đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân:

          – Đối với các trường hợp không có điều kiện tự mua thuốc điều trị, tổ tư vấn có thể phối hợp với cơ sở y tế hỗ trợ Túi thuốc điều trị COVID-19 và các loại thuốc điều trị khác đến tận nhà cho người bệnh.

          – Hướng dẫn sử dụng thuốc và theo dõi sức khỏe người bệnh COVID-19 tại nhà.

          – Tư vấn các trường hợp cần trợ giúp y tế để kết nối với cơ sở điều trị khi cấp thiết.

          Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng và nhân dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống nhà thuốc trên địa bàn tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của mình, chia sẻ gánh nặng cùng ngành y tế và góp phần kiểm soát thành công dịch bệnh.

5/5 - (1 vote)

Bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.