Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường thừa nhận, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý liên thông hệ thống nhà thuốc đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, là “chiến dịch dài hơi”, tốn kém chi phí phát sinh nếu các đơn vị thiếu thiện chí.
Kết nối liên thông còn nhiều khó khăn
Cuối tháng 12/2018, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trương Quốc Cường làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác tăng cường kết nối tại các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội và có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về việc triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.
Đoàn đã trực tiếp đến một số cơ sở như Nhà thuốc tư nhân Hải Hòa (số 1 phố Vạn Bảo, quận Ba Đình, Hà Nội), Nhà thuốc Liên Mai (625, Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) và quầy thuốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Tại thời điểm kiểm tra, trên sổ sách nhà thuốc Liên Mai có 12 đơn bán thuốc cho người bệnh, cập nhật vào phần mềm được 7 trường hợp và việc cập nhật vào phần mềm cho mỗi trường hợp mất 10 phút trong khi việc thực hiện cập nhật dữ liệu ở những nơi khác thường mất ít thời gian hơn, thậm chí có nơi chỉ 2 – 3 phút.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, qua kiểm tra, các cơ sở đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc quản lý thuốc bảo đảm kiểm soát tên thuốc, xuất xứ, giá… Tuy vậy, mỗi cơ sở lại sử dụng những phần mềm khác nhau, chưa đồng bộ và đảm bảo tính bảo mật trong hệ thống. Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục CNTT phối hợp với Cục Quản lý Dược sớm ban hành được chuẩn ra kết nối liên thông giữa các phần mềm khác nhau, đảm bảo đúng tiến độ kết nối các cơ sở bán thuốc trên toàn quốc theo Chỉ thị.
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 7.089 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động, trong đó có 3.442 cơ sở được kết nối liên thông. Tuy nhiên, công tác quản lý kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn như: Nhiều cơ sở bán buôn thuốc trên địa bàn đang sử dụng phần mềm riêng; Cục Quản lý Dược chưa ban hành chuẩn dữ liệu đầu ra nên việc kết nối liên thông lên hệ thống chung quốc gia còn gặp nhiều khó khăn; cùng với đó, cơ sở cung ứng thuốc lo ngại vấn đề bảo mật thông tin đến các hoạt động của cơ sở…
Theo khảo sát của phóng viên tại 6 nhà thuốc Tây ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, hầu hết họ đã được các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý bán thuốc tiếp cận và gửi chương trình bán hàng. Tuy nhiên, đại diện các nhà thuốc vẫn đang phân vân, chưa biết nên chọn sử dụng phần mềm nào.
“Mỗi nhà mạng có chính sách và giá cước khác nhau, bên nào cũng cam kết tốt nhất. Song nhà mạng yêu cầu phải hợp đồng trọn gói 1 năm, trong khi nhiều nhà thuốc dự kiến sẽ nghỉ thời gian tới. Hơn nữa, giá dịch vụ đầu tư hơi cao, từ 150.000 – 180.000 đồng/tháng, tương đương khoảng 2 triệu đồng/năm. Chưa kể, để sử dụng thành thạo phần mềm, quán xuyến việc cập nhật số lượng, chủng loại thuốc bán ra, nhà thuốc sẽ phải thuê thêm một nhân viên với chi phí ít nhất 6 triệu đồng/tháng. Chi phí phát sinh đội lên sẽ được tính vào tiền thuốc, cuối cùng người dân phải chịu. Trong khi như lâu nay, chỉ cần người dân đưa toa hoặc liệt kê triệu chứng bệnh sẽ lấy được thuốc ngay” , anh Hưng, đại diện một nhà thuốc ở phường 7, quận Phú Nhuận bày tỏ.
Lựa chọn phần mềm thích hợp, đồng bộ
Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 6373/BYT-QLD đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý nhà thuốc trên địa bàn triển khai ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc…
Qua khảo sát của phóng viên, hiện trên thị trường đã có nhiều phần mềm tham gia “sân chơi” này như của Phần mềm nhà thuốc XPharma của FBS, Viettel, VNPT pharmacy của VNPT hay Tiemthuoc.vn của EFFECT…Tuy nhiên, để thuyết phục được các nhà thuốc sử dụng một phần mềm nào đó không hề dễ dàng.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y Tế) Vũ Tuấn Cường, để thực hiện việc nối mạng liên thông các nhà thuốc, Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng cập nhật, chuẩn hóa hơn 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế, đồng thời tích hợp 2 nền tảng quản lý nhà thuốc GPP cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác nhau. Khi đó, chỉ những loại thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán. Phần mềm này còn giúp hạn chế được tình trạng một người bán hàng chỉ có trình độ sơ cấp hay trung cấp dược mà tự ý tư vấn bán thuốc kháng sinh cho người mua. Về phía người sử dụng, khi mua thuốc cũng có thể truy cập để biết được thuốc mua có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và cách dùng như thế nào.
Thực tế, khi đưa một biện pháp quản lý mới đòi hỏi sự thay đổi thói quen của rất nhiều nhà thuốc và cả người dân, chưa kể việc quản lý này gián tiếp, trực tiếp và dần dần tiến tới loại bỏ mọi hành vi kinh doanh không trong sạch, có tính gian lận. Không loại trừ sẽ có một bộ phận không muốn, cố tình không tham gia. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ cũng cần xử lý nghiêm khắc theo quy định.
Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường thừa nhận, việc triển khai quản lý liên thông hệ thống nhà thuốc đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn bởi nhiều nơi phải thay đổi cả cung cách hoạt động từ thủ công sang điện tử, phải công khai, minh bạch trong kinh doanh. Đặc biệt, trong khi người dân chưa có thói quen khám bệnh, mua thuốc theo đơn nên việc thực hiện không hề dễ dàng và đây phải là “chiến dịch dài hơi”, tốn kém chi phí phát sinh nếu các đơn vị thiếu thiện chí.
Chính phủ và Bộ Y tế vẫn dành một lộ trình để các nhà thuốc kết nối mạng. Nếu đến đầu năm 2020 các cơ sở bán lẻ thuốc không kết nối được theo quy định của Luật Dược cũng như Thông tư số 02/2018/TT-BYT về thực hành tốt các cơ sở bán lẻ thuốc thì phải dừng việc buôn bán thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh: “Khó làm, song không thể không làm”.
LINH CHI