1.Cuộc chơi của các nhà bán lẻ

– Trước đó, một công ty chứng khoán ở TPHCM đã cho biết Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đang có ý định mua cổ phần của chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang. Digiworld (Công ty cổ phần Thế giới số), một nhà phân phối sản phẩm công nghệ lâu năm cũng bắt đầu mở sang hướng kinh doanh thực phẩm chức năng từ giữa tháng 8.

– Thị trường phân phối thiết bị công nghệ (laptop, smartphone…) tại Việt Nam đang rơi vào thời điểm bão hòa buộc lòng các nhà bán lẻ, nhà phân phối… phải tìm cách chuyển hướng kinh doanh sang các ngành nghề mới dựa trên nền tảng kinh nghiệm quản trị chuỗi bán lẻ của họ. Lần lượt các nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Retail, Nguyễn Kim… đã công bố chiến lược mở rộng kinh doanh, “lấn sân” qua lĩnh vực mới như bách hóa, dược phẩm.

– Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, Chủ tịch HĐQT MWG là ông Nguyễn Đức Tài đã chia sẻ về việc chuyển hướng kinh doanh được phẩm. MWG dự định mua bán, sáp nhập các chuỗi nhà thuốc có quy mô 15-20 cửa hàng.

– Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (sở hữu siêu thị điện máy Nguyễn Kim), một doanh nghiệp kỳ cựu trong ngành bán lẻ, cũng vừa quyết định bỏ ra 68 tỉ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu trong Công ty cố phần Dược Lâm Đồng (mã chứng khoán Ladophar) từ 24% lên 51,4% thông qua đợt chào mua cổ phiếu Ladophar ngày 25-10 vừa qua. Điều này sẽ giúp cho Nguyễn Kim nắm quyền quản lý tại công ty dược này và từng bước mở rộng lĩnh vực kinh doanh dược phẩm.

– Hoạt động mua bán, sáp nhập các chuỗi nhà thuốc của các nhà bán lẻ thiết bị công nghệ đã khiến cho thị trường kinh doanh dược phẩm trở nên “nóng” hơn.

– Trước mắt, cơ hội cho ngành bán lẻ dược phẩm chỉ đến với các công ty nội địa. Theo cam kết WTO, nhà sản xuất và nhà phân phối dược nước ngoài có thể đưa thuốc vào Việt Nam nhưng chưa được phép bán lẻ thuốc. Mặc dù vậy, thị trường bán lẻ dược phẩm của Việt Nam vẫn rất sôi động khi chứng kiến sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó đáng kể nhất là hàng chục ngàn nhà thuốc trên khắp cả nước do dược sĩ lập ra và các công ty chuyên bán lẻ dược phẩm theo mô hình chuỗi nhà thuốc như  Phano, Mỹ Châu, Eco, Pharmacity, Vistar và Phúc An Khang…

– Khoảng 2 năm trở lại đây, ngành bán lẻ dược chứng kiến cuộc chạy đua của không ít nhà đầu tư. Đầu tiên là cuộc chạy đua mở rộng mạng lưới. Kể từ khi khai trương nhà thuốc đầu tiên (năm 2007), đến nay, Phano đã có 60 nhà thuốc. Theo sát Phano là Pharmacity (39 nhà thuốc), Sapharo (18 nhà thuốc), Phúc An Khang (18 nhà thuốc). Riêng Mỹ Châu duy trì 8 nhà thuốc, Eco đạt 11 nhà thuốc… Đáng chú ý, tân binh Vistar mới khai trương nhà thuốc vào năm ngoái, nay cũng thiết lập được 20 nhà thuốc.

– Sự mở rộng ồ ạt trong mảng bán lẻ dược phẩm đã khiến cho ngành này ở vào thế trận cạnh tranh mới. Ngoài tìm cách gia tăng số lượng nhà thuốc và mở rộng địa bàn ra nhiều tỉnh thành, các đơn vị bán lẻ dược phẩm cũng có những bước chuyển đổi và chiến lược riêng. Chẳng hạn, vì ra đời sau nên chuỗi nhà thuốc Vistar chọn hướng đi vừa chăm sóc sức khỏe vừa kết hợp với làm đẹp. Mô hình này vận hành theo kiểu cửa hàng tiện lợi, hoạt động 24/7 và hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài như Boots, Watsons, Sasa, Mannings… để đem những sản phẩm có thương hiệu quốc tế vào Việt Nam. Vistar còn phân phối độc quyền cho Cmic Holdings (Nhật), Han Song Jun, Crown Craft (Hàn Quốc), Sabai-Arom, Thai Tanya (Thái Lan).

– Ở Eco Pharmacy, ưu thế là vị trí chủ yếu đặt tại các địa điểm gần bệnh viện lớn và Eco có riêng một bộ phận phụ trách nhập khẩu và phân phối dược phẩm. Còn chuỗi nhà thuốc Pharmacity chủ yếu tập trung trong các khu chung cư, căn hộ. Gần đây, Pharmacity mở rộng bán thuốc online, sản xuất một nhãn hàng riêng (như khẩu trang y tế) và có tham vọng bành trướng ra thị trường khi đề ra kế hoạch đến năm 2020 sẽ đạt 500 nhà thuốc. Pharmacity danh nghĩa là công ty Việt Nam nhưng đồng sáng lập, người đứng đầu ở đây lại là người nước ngoài. Ông Chris Blank từng có nhiều năm làm việc trong cương vị tư vấn đầu tư cho các quỹ đầu tư như Red River, VinaCapital.

– Vì thế, bước đi của Pharmacity luôn khiến Phano và các doanh nghiệp cùng ngành phải dè chừng. Mỹ Châu đầu năm 2016 đã nhận khoản đầu tư từ Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) cho mục tiêu phát triển quy mô nhanh và rộng hơn. Mục tiêu của Mỹ Châu là mở trên 80 nhà thuốc trên toàn quốc trong 3 năm tới.

– Tuy nhiên, như đã đề cập, sự khốc liệt của ngành không nằm ở chỗ các chuỗi nhà thuốc cạnh tranh lẫn nhau mà là phải đương đầu với tình trạng manh mún trên thị trường phân phối dược. Đó là cuộc chiến giữa bán hàng nghiêm túc với kiểu làm “mì ăn liền”. Ông Trương Minh Hải, Phano khẳng định, đây là cuộc chiến không cân xứng.

2.Thay đổi hay biến mất?

– Cuộc chiến trong ngành bán lẻ dược phẩm dự báo sẽ chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho mô hình chuỗi nhà thuốc hiện đại, chuyên nghiệp. Bởi trước các quy định ngày càng siết chặt của ngành y tế, trước xu hướng người tiêu dùng ngày càng trách nhiệm hơn với sức khỏe bản thân và muốn mua đúng thuốc ở nơi uy tín, các nhà thuốc nhỏ lẻ sẽ khó có đất sống. Họ bắt buộc phải chuyển đổi nếu muốn tồn tại. Xu hướng chuyển đổi của nhà thuốc tư nhân dự báo sẽ theo hai hướng: hoặc đầu tư bài bản để thỏa mãn các quy định của ngành y tế và đáp ứng nhu cầu thị trường; hoặc tham gia vào mô hình chuỗi nhà thuốc của những đơn vị đã có tên tuổi.

– Đối với trường hợp dược sĩ tự mở nhà thuốc riêng, theo những người trong ngành, đây là một lựa chọn rất dũng cảm. Bởi đầu tư nhà thuốc theo đúng chuẩn mực đòi hỏi rất nhiều chi phí mà ít người ngờ tới, như chi phí cho công nghệ, thiết bị, hệ thống, quy trình… (có thể lên tới 1-3 tỉ đồng). Nhà đầu tư cũng phải rất am hiểu chuyên môn và thị trường mới tránh bị mua hớ, mua phải hàng hóa kém chất lượng. Ngoài ra, họ còn phải nắm vững và biết cách cập nhật các quy định phức tạp của ngành y tế, phải học cách quản lý, bán hàng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, bảo quản được thuốc… Những yêu cầu này, nếu thiếu kiến thức và không có kinh nghiệm, nhà đầu tư sẽ không thể đảm bảo tuân thủ được.

– Mô hình nhà thuốc tư nhân đơn lẻ, nếu đặt trong thế trận phải cạnh tranh với một loạt chuỗi nhà thuốc tiềm lực hơn, có thương hiệu và dịch vụ tốt hơn lại càng yếu thế. Bởi thế, để hạn chế rủi ro trong một ngành cạnh tranh cao và có nhiều quy định phức tạp, một số nhà đầu tư đã chọn cách tham gia thị trường bán lẻ dược phẩm thông qua mua nhượng quyền nhà thuốc.

– Hiện tại, trong hàng trăm doanh nghiệp tham gia ngành bán lẻ dược phẩm, chỉ Phano là có triển khai hình thức nhượng quyền. Phano mới dấn bước vào lĩnh vực nhượng quyền từ giữa năm 2016 và đến nay, Công ty cũng chỉ mới làm được với 3 nhà thuốc. Điều này cho thấy, triển khai nhượng quyền trong ngành bán lẻ dược phẩm là không dễ dàng. Trước đây, thị trường bán lẻ dược phẩm từng chứng kiến chuỗi nhà thuốc Sức Khỏe Vàng triển khai nhượng quyền nhưng không thành công.

– Phano dù đã mất gần 10 năm chuẩn bị và xây dựng các hạ tầng nền tảng, lại có lợi thế ban lãnh đạo từng hoạt động trong ngành dược, nhưng ông Trương Minh Hải thừa nhận phát triển nhượng quyền trong ngành bán lẻ dược rất cần lộ trình, không thể phát triển quá nhanh và chạy theo số lượng.

– Có thể thấy, lợi thế của mô hình chuỗi là mở rộng quy mô và độ nhận diện thương hiệu. Riêng trong lĩnh vực phân phối dược phẩm, quy mô cũng mang lại lợi thế trong đàm phán mua hàng giá tốt, trong tích trữ hàng. Quy mô mạng lưới cũng giúp mô hình này dễ dàng hơn trong điều phối hàng hóa để giảm áp lực hàng tồn kho, giảm thất thoát và  kiểm soát được thời hạn sử dụng thuốc.

– Cũng như mô hình siêu thị, các đơn vị triển khai mô hình chuỗi nhà thuốc cũng hướng tới phát triển “nhãn hàng riêng”, đó là những dược phẩm bán độc quyền tại hệ thống này.

– Hệ thống nhà thuốc như Eco, Mỹ Châu… đang đi theo mô hình tương tự như Mercury (Philippines) và một số chuỗi nhà thuốc trên thế giới. Đây là mô hình kết hợp bán thuốc (cả thuốc điều trị lẫn thuốc thông dụng) với bán các sản phẩm hóa dược, thiết bị y tế như hình thức siêu thị tự chọn. Nhờ đó, Mercury đã xây dựng được 700 nhà thuốc và nắm 60% thị phần, còn Shopper Drug Mart (Canada) đạt tới gần 1.200 cửa hàng, ghi nhận doanh thu trung bình 13 triệu USD/năm/nhà thuốc.

– Do đó, các mô hình chuỗi nhà thuốc hiện đại tại Việt Nam cũng có thể  kinh doanh sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, thời trang, như Medicare, Guardian đang triển khai

3.Cuộc đua về chuỗi

– Century Pharma – nhà bán lẻ sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp với hệ thống hơn 1.000 cửa hàng ở Indonesia sẽ là đối thủ đáng gờm cho bất cứ nhà phát triển chuỗi bán lẻ dược phẩm nào tại Việt Nam. Thị trường Việt Nam với thu nhập đầu người và cách thức phát triển tương đồng với Indonesia là lợi thế của Century. Từ cửa hàng đầu tiên ở Bitexco hồi tháng 1/2017, hiện Century đã có mặt ở nhiều TTTM lớn tại TP.HCM như Saigon Centre, Takashimaya, Annam Gourmet… Nhà kinh doanh này đưa ra thông điệp tự tin: “Century Healthcare sẽ tạo ra cuộc cách mạng bán lẻ về sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp ở TP.HCM”.

– Trong một thông cáo nội bộ, tập đoàn mẹ Pharos cho biết: “Century Healthcare chắc chắn sẽ trở thành điểm đến phổ biến cho người tìm kiếm các loại thuốc có chất lượng cao và các sản phẩm làm đẹp. Trong một thời gian ngắn, Century sẽ trở nên nổi tiếng và đáng tin cậy tại Việt Nam như ở Indonesia”. Pharos còn có các cơ sở sản xuất ở Indonesia, Singapore và Việt Nam và thông qua các hợp đồng cấp phép cũng cung cấp các sản phẩm ở Philippines, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

– Century tiên phong vào thị trường Việt Nam nhưng dự báo không phải là duy nhất. Cũng như các mô hình bán lẻ khác, khi thị trường đủ độ hấp dẫn là có “cuộc chơi” của các tên tuổi lớn, như Aeon (Nhật) đang sở hữu hơn 4.000 hiệu thuốc ở nhiều thị trường, tại Việt Nam họ vẫn chưa khởi động phân khúc này.

– Các nhà phân tích nhận định, khi thị trường đủ chuyên nghiệp sẽ trở thành đối tượng của nhà bán lẻ khổng lồ như Walgreens Boot Alliance (nhà bán lẻ lớn nhất thế giới với 13.000 nhà thuốc ở 11 quốc gia) có doanh thu 2016 tới 117 tỷ USD, CVS của Mỹ với hơn 7.000 nhà thuốc, Watson với hơn 15.000 nhà thuốc ở châu Á, Lloyds Pharmacy (Anh), Mercury (Philippines)…

– Thị trường cũng đang đồn đoán các cuộc thâu tóm chuỗi bán lẻ dược phẩm, chẳng hạn Thế Giới Di Động với Pharmacity hay FPTshop với Long Châu. Tuy nhiên, đại diện các công ty này đều cho biết “đang trong quá trình tìm hiểu và thương thảo để đạt được cơ hội tốt nhất”. Thế Giới Di Động kỳ vọng hoàn tất thương vụ ngay trong năm nay.

– Nhà bán lẻ này tham vọng mở đến 800 cửa hàng dược phẩm, sẽ là một đối thủ đáng gờm với lõi phát triển bán lẻ mà họ đang sở hữu. Tọa lạc tại đường Hai Bà Trưng, một trong những tuyến đường đông đúc nhất về thị trường dược phẩm TP.HCM, nhà thuốc Long Châu có 5 cửa hàng, gần đây mở rộng sang các quận khác với kế hoạch tuyển dụng ồ ạt trong chương trình phối hợp với Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT.

– Chuỗi Phano là đại diện lớn trong ngành bán lẻ và nắm lợi thế hợp tác với các nhà sản xuất lớn trong và ngoài nước. Từ năm 2017, Phano đã bắt đầu mô hình nhượng quyền 3P – Professionalism (vận hành chuyên nghiệp) – Profit (kinh doanh hiệu quả) – Protection (đầu tư an toàn) trong tham vọng vị thế hàng đầu thị trường bán lẻ dược phẩm. Đây là chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay với gần 80 cửa hàng và khác với chuỗi khác tập trung chủ yếu tại TP.HCM thì Phano đã có mặt tại hơn 10 tỉnh – thành.

– Hồi tuần rồi Pharmacity mở cửa hàng thứ 78 ở TP.HCM trong mục tiêu 200 cửa hàng vào năm 2020. Hình ảnh Pharmacity cũng gắn liền với các cây xăng Petrolimex, bổ sung cho phương thức cửa hàng tiện lợi theo mô hình kinh doanh trạm thuốc – cây xăng ở các nước châu Âu hay Bắc Mỹ. Hệ thống Pharmacity quen thuộc ở các tuyến phố lớn cũng bắt đầu thâm nhập khuôn viên phòng khám bác sĩ gia đình.

– Chris Blank – CEO của Pharmacity cho rằng chuỗi phòng khám bác sĩ gia đình còn nhiều không gian phát triển, dù không trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhưng bước cấp phát thuốc sẽ góp phần nâng cao dịch vụ của phòng khám bác sĩ gia đình. Pharmacity xem đó là cơ hội cho đội ngũ chuyên môn và quản lý của mình.

– Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán FPT (FPTs), triển vọng tăng trưởng của Pharmacity chưa thực sự rõ do thiếu vắng các mắt xích quan trọng là nhà phân phối và nhà cung ứng. “Đây có thể là mô hình kinh doanh “xây hệ thống” của nhà đầu tư tài chính với quy mô đủ lớn để có thể bán lại cho các đối tác chuyên nghiệp muốn thâm nhập thị trường” – FPTs nhận định.

– Ngoài Phano và Pharmacity, một số hệ thống nhà thuốc khác gầy dựng được tên tuổi như Phúc An Khang, Sapharco, Vistar, Mỹ Châu. Sapharco với hơn 30 nhà thuốc bán lẻ và các chi nhánh bán buôn, Phúc An Khang với 20 cửa hàng, Eco Pharmacy với cách thức tổ chức tương tự mô hình Phano nhưng quy mô nhỏ hơn với chưa đầy 20 cửa hàng chủ yếu gần các bệnh viện lớn ở TP.HCM.

4.Định hình lại thị trường phân mảnh

– Mô hình chuỗi bán lẻ dược phẩm hình thành cả chục năm trước nhưng thay đổi khá chậm chạp. Ước tính trên cả nước có hơn 50.000 nhà thuốc riêng lẻ, trong khi quy mô các chuỗi bán lẻ thuốc hiện đại còn rất nhỏ, chưa đạt đến con số 500.

– Cuộc đua mới thực sự diễn ra khoảng ba năm nay, số cửa hàng thuộc các chuỗi này tăng nhanh nhưng cũng chưa có chuỗi nào vượt được con số 100, khó thể kéo theo sự thay đổi của thị trường truyền thống.

– Tổ chức BMI ước tính doanh số thị trường dược Việt Nam đạt 4,7 tỷ USD năm 2016, trong đó doanh số bán lẻ dược chiếm 1/3, dự báo đạt doanh số 7,27 tỷ USD vào năm 2019. IMS Health dự báo lạc quan hơn với lượng tiêu thụ thuốc tại Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, bình quân mỗi người dân chi xấp xỉ 50 USD/năm so với mức 33 USD năm 2015. Sự tham gia của các chuỗi hiện đại đang góp phần định hình lại thị trường được xem đang phân mảnh rất lớn này.

– Nhìn chung, các nhà thuốc bán lẻ lẫn các chuỗi lớn vẫn là khách hàng chính trong kênh OTC (thuốc không theo toa) của các công ty dược phẩm khiến thị trường bán lẻ phân mảnh và khó thay đổi do lo ngại khó kiểm soát dược phẩm hiệu quả, do ít chuỗi bán lẻ tên tuổi trong khi dược phẩm chủ yếu đang được tiêu thụ qua các nhà thuốc riêng lẻ và ngay trong bệnh viện.

– Các chuỗi hiện đại đòi hỏi chuẩn mực kinh doanh được vận hành nghiêm túc và nguồn lực được đào tạo nâng cao thường xuyên, có phương thức tiếp thị đồng nhất và linh hoạt theo thị trường. Thách thức của họ ở quy mô chuỗi còn là thiết lập được hệ thống quản trị hiện đại để tối ưu hóa chi phí và phân tích kinh doanh hiệu quả.

– Trong khi quy định chuẩn GPP khiến mức đầu tư cao hơn và quy trình chặt chẽ hơn, như yêu cầu dược sĩ túc trực suốt giờ mở cửa, chuẩn diện tích, nhiệt độ bảo quản thuốc, bán theo toa quy định thì các nhà thuốc truyền thống có lợi thế len lỏi trong các khu dân cư và đã thiết lập được thói quen tiêu dùng của dân chúng.

– Thậm chí các chuỗi bán lẻ đã đẩy mạnh các mô hình trực tuyến, với các cam kết hàng chính hãng, được giao tận nơi trên toàn quốc, giao cực nhanh và đổi trả hàng đơn giản. Một số chuỗi bán lẻ ban đầu định hướng trở thành nhà thuốc trực tuyến dù chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Đây có thể là kênh phân phối bổ sung cho các nhà bán lẻ và theo xu thế tương lai.

Kết

– Việt Nam hiện có khoảng 93 triệu người, thu nhập ngày càng tăng do sự tăng trưởng của kinh tế, bảo hiểm xã hội được mở rộng và nỗ lực của Chính phủ VN về tỷ lệ tự sản xuất, các nhà đầu tư nước ngoài tăng nhanh…đang được đánh giá là có khả năng tăng trưởng cao.

– Đặc biệt gần đây tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 6%, thu nhập tăng và hình mẫu cuộc sống thay đổi, người VN cũng quan tâm thay đổi chất lượng cuộc sống, duy trì và quản lý sức khoẻ, các khoản chi tiêu cho thuốc cũng sẽ tăng nhiều.

Nắm bắt được nhu cầu đó các ông lớn trong lĩnh vực dược cũng như công nghệ đồng loạt mở rộng hay lấn sân sang lĩnh vực này. Cùng với việc gia nhập WTO các nhà đầu tư về lĩnh vực dược cũng ồ ạt tràn vào thị trường trong nước, đây là bài toán khó về thuận lợi và thách thức đối với các nhà thuốc Việt Nam.

 Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.