1.Thị trường dược phẩm nhiều tiềm năng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam đang đứng thứ 16 trong số 22 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển dựa theo tiêu chí tổng giá trị tiêu thụ thuốc hằng năm. Thống kê của Business Monitor International trong báo cáo “Ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam” cho thấy thị trường dược phẩm đạt doanh số 4,7 tỉ đô la Mỹ năm 2016, tăng trưởng 13% so với năm trước đó. BMI dự đoán quy mô thị trường sẽ tăng lên mức 7,2 tỷ đô la Mỹ năm 2020 và tiếp tục giữ mức tăng trưởng ít nhất 10% trong 5-10 năm tới. Chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam đang là 33 USD/người/năm. Dự báo tới năm 2021, con số này sẽ lên tới 55 USD/người/năm.

Mức tăng trưởng ngành dược phẩm Việt Nam đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng trên đạt được là nhờ dân số tăng trưởng nhanh cùng với thu nhập bình quân cải thiện, sự quan tâm chăm sóc sức khỏe tăng lên. Từ năm 2017, Việt Nam bắt đầu bước qua giai đoạn “hậu dân số vàng”. Đến năm 2050, dự đoán có tới 21% dân số Việt Nam trên 65 tuổi, số năm bệnh tật và số loại bệnh trung bình mắc phải của người già đang gia tăng nhanh chóng, nhu cầu dược phẩm trong các năm tới luôn tăng.

Cơ cấu thị trường thuốc chủ yếu là thuốc generic, chiếm 51% và biệt dược là 22%, theo số liệu mới nhất năm 2012. Ba kênh phân phối chủ yếu là bệnh viện, nhà thuốc và phòng mạch tư nhân. Trong đó, nhà thuốc đơn lẻ, theo bộ Y tế, phân phối 65 – 70% lượng thuốc.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó có 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược; 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược, doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược.

Doanh nghiệp dược Việt Nam có lợi thế các chi phí nhân công chất lượng cao, chi phí xây dựng cơ bản, chi phí vận hành, chi phí xử lý môi trường đều ở mức thấp cùng với quy định về đăng ký lưu hành thuốc tương đối mềm mỏng. Điều này giúp sản phẩm thuốc nội có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp trong ngành dược, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho rằng các quy trình đấu thầu, hệ thống hành lang pháp lý được hoàn thiện và minh bạch hóa, hay một nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định là những mục tiêu cấp thiết nhất hiện nay. Ngoài ra, việc tuyên truyền hiệu quả về vấn đề sử dụng thuốc, về hoạt động đầu tư và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng là những chính sách cần được ưu tiên.

Đặc biệt, theo chuyên gia trong ngành, trong bối cảnh xu hướng công nghệ đang lan tỏa mạnh mẽ thì có được những chính sách khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đầu ra sẽ là “đòn bẩy” để nâng tầm ngành dược quốc gia trong tương lai.

Hiện tỷ lệ bán buôn và bán lẻ Việt Nam chiếm tới 14% GDP cả nước. Bán lẻ cũng thuộc 1 trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng: “Chúng ta cần thay đổi ngành bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm tính cạnh tranh. Mà muốn thay đổi thì nhất thiết phải có chiến lược cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường.

Bên cạnh đó cần áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đưa hàng Việt ra ASEAN và khắp thế giới.

Trong tương lai gần, thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục phát triển tích cực với một số xu hướng phát triển nổi bật:

Các doanh nghiệp dược tận dụng ưu thế chi phí thấp trong sản xuất, mở rộng hoạt động, nâng cao vị thế. Trong “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Công nghiệp Dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Chính phủ đang có kế hoạch đầu tư tới 1,5 tỷ USD cho ngành Dược trong 10 năm tới đây, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu. Chính phủ cũng cam kết tăng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước từ 50% cuối năm 2015 lên 80% năm 2020. Chi phí thấp cũng là lợi thế để thu hút các tập đoàn dược phẩm lớn dịch chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực y học cổ truyền đang là lĩnh vực phát triển mạnh của nền kinh tế đang phát triển.

Áp lực cạnh tranh lớn đẩy nhanh quá trình thanh lọc các doanh nghiệp, giảm số lượng, tăng chất lượng. Tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập hóa, mở cửa thị trường với sự thâm nhập của các công ty dược phẩm lớn trên thế giới khiến thị trường dược phẩm trong nước cạnh tranh gay gắt hơn. Các doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá thành dễ dàng bị thâu tóm và hất cẳng khỏi thị trường. Ngược lại, các doanh nghiệp vượt trội tận dụng được lựoi thế cạnh tranh, công nghệ hiện đại có thể mở rộng kinh doanh ra khu vực và thế giới.

Thị trường bán lẻ dược phẩm sôi nổi với sự tham gia của nhiều công ty phân phối lớn. Dù thị trường rất tiềm năng nhưng lại ít chuỗi bán lẻ tên tuổi là lý do nhiều công ty phân phối muốn gia nhập. Thế giới Di động, FPT Retail, Nguyễn Kim Group, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld)… đều đang thực hiện các dự án đầu tư chuỗi nhà thuốc và sớm tiến vào thị trường này.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, có nhiều lo ngại khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, có thể làm sụp đổ kênh phân phối bán lẻ truyền thống cũng như hiện đại của Việt Nam do sự xuất hiện và thâu tóm của các “ông lớn” bán lẻ từ nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không phụ thuộc mà từng bước thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh và để từng bước đưa ngành dược phẩm Việt Nam vươn tầm thế giới.

2.Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít

Năm 2018, bối cảnh ngành dược được dự đoán sẽ thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những ông lớn trên thị trường bán lẻ, phân phối như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim. Bên cạnh đó, sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… cũng đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước.

Để phát triển ngành dược trong nước, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một bài toán khó: cải thiện chất lượng sản phẩm hiện có, tăng cường đầu tư và nghiên cứu các dòng sản phẩm chuyên dụng… trong khi cả vốn, năng lực và nhân sự còn rất hạn chế.

Nắm bắt được cơ hội kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh thuốc nên ngay cả những người không có bằng cũng cố chen chân vào lĩnh vực này với cái lốt “hợp tác kinh doanh” cùng những người có bằng cấp nhưng thực chất đây là một dạng thuê bằng dược sĩ mở nhà thuốc kiếm lợi nhuận.

Rõ ràng, doanh nghiệp dược Việt Nam luôn trong tư thế sẵn sàng cho mọi thách thức. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nội đã khôn khéo lựa chọn phương án hợp tác thay vì cạnh tranh trực diện với các doanh nghiệp ngoại để vừa tận dụng được ưu thế thị trường và các kênh phân phối sẵn có, vừa thu hút được vốn, công nghệ và học hỏi kinh nghiệm từ các công ty dược lớn trên thế giới.

Thị trường dược phẩm đang được đánh giá là một “mảnh đất trù phú” thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.

Mức độ cạnh tranh trong thị trường dược những năm tới được đánh giá sẽ diễn ra khốc liệt hơn trên hầu hết các phân khúc thị trường.

Có thể thấy, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành dược phải dựa vào uy tín. Mặc dù hiện đang yếu thế hơn doanh nghiệp nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp dược Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm cách rút ngắn khoảng cách, đặc biệt là về công nghệ và nhân sự chất lượng cao, với mục tiêu giành lại lợi thế sân nhà của mình. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, ngành dược Việt Nam sẽ ngày càng trưởng thành và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế nước nhà, nhờ đó người dân Việt Nam sẽ được hưởng những loại dược phẩm và dịch vụ y tế tốt nhất.

 

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.