Nghị định 54/2017/NĐ-CP vừa mới ban hành đã có một số quy định khá sát sao để hạn chế hiện tượng thả nổi giá thuốc trên thị trường thời gian qua. Liệu Nghị định mới có thể giúp người dân được mua thuốc tây với giá minh bạch và hợp lý, hay người bán thuốc lại tìm ra “chiêu” để lách?

Giá thuốc tây bán mỗi nơi một kiểu là một thực tế phổ biến trên thị trường. (Ảnh minh họa)

1.Hết thời giá thuốc “trên trời”?

Từ nhiều năm nay, tình trạng thuốc tây trên thị trường được bán với mức giá không đồng nhất đã là một thực trạng rất phổ biến. Cùng một loại thuốc, các nhà thuốc tây, quầy thuốc bán lẻ tại khu dân cư có mức giá bán khác, các nhà thuốc bệnh viện công lập có giá bán khác, mà các nhà thuốc bệnh viện tư nhân, lại có một mức giá khác nữa.

Anh Nguyễn Hữu V., quê Khánh Hòa, khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, được kê toa thuốc chữa viêm loét bao tử. Với toa thuốc này, anh xuống nhà thuốc tây tại bệnh viện mua với giá 1,4 triệu cho một tháng thuốc. Sau đó, cầm toa thuốc đến một tiệm thuốc tây ngẫu nhiên dọc đường, anh mua toa thuốc này với giá 1,1 triệu cho một tháng uống thuốc.

Cũng với toa như thế, anh được mách nước đến một hệ thống thuốc tây khác trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TP HCM, thì giá chỉ còn hơn 900 ngàn. Đó là một câu chuyện rất quen thuộc mà hầu hết bệnh nhân có kinh nghiệm điều trị đều gặp phải.

Nghị định 54/2017/NĐ-CP vừa mới ban hành có hẳn một chương để quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc, điều này cho thấy sự quan tâm của Chính phủ tới vấn đề này. Nghị định đã nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc và các quy định khác về quản lý giá thuốc.

Cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.

Để hạn chế việc “kê khai” tùy ý, muốn kê sao thì kê, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm xem xét mức độ hợp lý của giá thuốc được kê khai, và có văn bản thông báo cho cơ sở kinh doanh dược kiến nghị xem xét lại mức giá của mặt hàng thuốc do cơ sở đã kê khai. Bên cạnh đó, nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc tây cũng chịu trách nhiệm niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở kinh doanh.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định trực tiếp luôn mức thặng số bán lẻ của dược phẩm trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khống chế mức thặng số bán lẻ từ 2-15%. Điều này cũng sẽ góp phần giảm tình trạng “chặt chém” tại các quầy thuốc bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh vẫn tồn tại bấy lâu, đặc biệt đối với các loại thuốc độc quyền phân phối tại bệnh viện, đặc trị bệnh, bệnh nhân không có lựa chọn khác.

2.Giám sát sát sao để thực thi Nghị định

Quy định về việc bắt buộc niêm yết giá tại cửa hàng đã có từ lâu. Tuy nhiên, trước đây, quy định này chỉ dừng ở mức bắt buộc bán đúng giá được niêm yết. Thế là, quy định “Có như không”, khi các cơ sở bán thuốc tây tha hồ niêm yết tùy ý và bán theo giá niêm yết này, dù có “chặt chém” ra sao cũng không sợ bị phạm luật, vì đã bán đùng với giá… chính mình đưa ra.

Vì thế, dù có quy định thì thực trạng thuốc tây bán giá mỗi cửa hàng một kiểu đã là chuyện rất phổ biến. Cùng trên một đoạn ngắn của con đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP HCM, có đến hơn 10 nhà thuốc thuộc nhiều doanh nghiệp phân phối, bán lẻ thuốc khác nhau.

Chị Nguyệt Thị Minh Ng., ngụ quận 1, TP HCM cùng mua một loại thuốc Tenofovir chữa viêm gan, 3 lần đến 3 cửa hàng thì mua với 3 mức giá khác nhau, có cửa hàng bán giá 255 ngàn/ vỉ, có cửa hàng bán 285 ngàn/ vỉ, có cửa hàng bán với giá… trên 300 ngàn/ vỉ.

Từ trước đến nay, cơ quan chức năng thuộc ngành Dược hầu như quản lý giá thuốc bán ra tại các hệ thống nhà thuốc bệnh viện theo Thông tư 15 của Bộ Y tế. Còn giá bán lẻ ở các nhà thuốc thì theo… quy luật cạnh tranh của thị trường. Có nhiều lý giải rằng, khách hàng sẽ là người quyết định nên mua ở cửa hàng nào giá cả hợp lý, tẩy chay các cửa hàng “chặt chém”.

Tuy nhiên, đó chỉ là trường hợp người bệnh có “kinh nghiệm” mua thuốc lâu năm, trải qua nhiều lần mua thuốc mới đúc rút nơi nào giá tốt, nơi nào không. Còn với những người bệnh vãng lai, hoặc không để ý, thì cơ sở bán thuốc “chặt chém” vẫn có thể kiếm lợi lớn như bình thường.

Các cơ sở bán thuốc từ trước đến nay có khá nhiều “chiêu” để lách luật. Chỉ sợ rằng, dù nghị định có quy định cụ thể thì vẫn có những cách khác nhau để các nhà thuốc tự đặt ra giá thuốc của mình. Hy vọng, với sự sát sao trong các quy định, cộng với sự ra tay mạnh mẽ của cơ quan quản lý, thời gian tới, thị trường thuốc tây sẽ được “dẹp loạn”, đi vào nền nếp, người dân sẽ được mua thuốc với mức giá hợp lý.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.