Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%…

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, trong đó đáng chú ý là quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc.

Theo đó, các biện pháp quản lý giá thuốc được quy định tại nghị định gồm: Kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc, quy định về thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đấu thấu mua thuốc, đàm phán giá thuốc và các biện pháp bình ổn giá thuốc.

1.Không được bán thuốc cao hơn giá kê khai

– Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc và các quy định khác về quản lý giá thuốc, chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá kê khai, kê khai lại và tính chính xác của các số liệu, tài liệu báo cáo, thông tin do cơ sở cung cấp.

– Cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.

– Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có văn bản thông báo cho cơ sở kinh doanh dược kiến nghị xem xét lại mức giá của mặt hàng thuốc do cơ sở đã kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ sở phải có văn bản phản hồi kèm theo các tài liệu liên quan để thuyết minh về tính hợp lý của mức giá kê khai hoặc điều chỉnh giá kê khai, kê khai lại về mức hợp lý.

– Sau thời hạn trên, cơ sở không có văn bản phản hồi thì mức giá kê khai, kê khai lại đã công bố không còn giá trị và sẽ bị rút khỏi Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

– Nghị định cũng yêu cầu các cơ sở bán buôn thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán buôn từng loại thuốc tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở bán buôn thuốc. Các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc.

– Cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc không được bán cao hơn giá do cơ sở đã niêm yết.

2.Lợi nhuận bán lẻ từ 2-15%

– Về thặng số bán lẻ (lợi nhuận) của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định quy định “giá bán lẻ bằng giá mua vào cộng mức thặng số bán lẻ (%) nhân với giá mua vào”

– Mức thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa như sau :

+ Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%.

+ Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%.

+ Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%.

+ Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%.

+ Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%.

 

Theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-1-2018, nhà thuốc trong bệnh viện sẽ phải bán thuốc thuộc danh mục trúng thầu, khống chế mức lãi thay vì được bán tự do như hiện nay.

  •  Đây là một trong các giải pháp nhằm kéo thấp giá thuốc, giúp người bệnh giảm chi phí trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, ngành y tế và bảo hiểm xã hội cần có sự phối hợp đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ để quy định thật sự phát huy hiệu quả đối với người bệnh.

  • Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (Nghị định 54) quy định cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bán. Nếu thuốc không có trong danh mục trúng thầu của bệnh viện thì có thể mua thuốc đã trúng thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong vòng 12 tháng, tính đến trước thời điểm mua thuốc. Giá thuốc mua vào bị “khống chế” không được cao hơn giá thuốc trúng thầu cùng thời điểm hoặc không được cao hơn giá trúng thầu của chính thuốc đó đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Giá thuốc bán ra cũng bị kiểm soát mức lãi, từ 2% đến 15% tùy vào giá trị thuốc tính trên một đơn vị nhỏ nhất.

  • Phó Cục trưởng Quản lý Dược (Bộ Y tế) Đỗ Văn Đông cho biết, quy định nêu trên nhằm bảo đảm ngày một tốt hơn khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh, nhất là người bệnh ngoại trú. Khi giá thuốc được kiểm soát hợp lý khiến giá tiền đơn thuốc của người bệnh sẽ giảm so với tình trạng bán cao hơn giá thị trường như hiện nay. Năm 2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15/2011/TT-BYT về tổ chức và hoạt động của các cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện, trong đó, đã quy định cụ thể mức lãi cao nhất tại các nhà thuốc bệnh viện. Điểm mới của Nghị định 54 của Chính phủ so với Thông tư 15/2011/TT-BYT của Bộ Y tế chính là việc quản lý chặt chẽ giá thuốc mua vào theo nguyên tắc giá mua vào không được cao hơn giá trúng thầu.

  • Một số bệnh viện cho rằng, sẽ thực hiện quy định mới theo lộ trình, để đến ngày 1-1-2018, nhà thuốc của bệnh viện chỉ bán thuốc theo danh mục trúng thầu và giá thuốc theo quy định mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc làm sao để quy định này thật sự có lợi cho người bệnh. Một doanh nghiệp sản xuất thuốc đồng tình với việc ban hành Nghị định 54, việc kiểm soát giá trong nhà thuốc bệnh viện là cần thiết bởi lâu nay có tình trạng nhà thuốc bệnh viện ngang nhiên bán giá cao hơn giá thị trường. Chẳng hạn, thuốc Giloba giá trúng thầu 300 đồng/viên nhưng có nhà thuốc bệnh viện bán với giá 3 nghìn đồng/viên. Các thuốc hỗ trợ, thuốc bổ thường được “thổi giá” để chia lại tiền hoa hồng cho bác sĩ kê đơn.

  • Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cũng tiết lộ, thị trường ở các nhà thuốc bệnh viện luôn “béo bở” với các doanh nghiệp dược do có người bệnh đông, có lợi thế hơn ở ngoài thị trường nhờ vào đội ngũ thầy thuốc kê đơn trong chính bệnh viện, cho nên doanh nghiệp dược sẽ tìm mọi cách “đứng” ở thị trường này. Để đối phó quy định mới, một số doanh nghiệp dược đang tìm mọi cách trúng thầu thuốc vào các bệnh viện để đủ điều kiện được bán trong nhà thuốc bệnh viện. Trường hợp này thường rơi vào các thuốc không có tính cạnh tranh như thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, thành phần kết hợp không phổ biến và đương nhiên sẽ trúng thầu giá cao. Do đó, các địa phương cần kiểm soát tốt giá trúng thầu trong các cuộc đấu thầu để giá thuốc thật sự “mềm” với người bệnh.

  • Khi thực hiện Nghị định 54, việc nhà thuốc bệnh viện chỉ bán các loại thuốc có trong danh mục đấu thầu cũng khiến giới điều trị băn khoăn. Một dược sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nhận định, quy định mới có thể dẫn đến tình trạng không đáp ứng đủ thuốc cho người bệnh vì trên thị trường có gần 30 nghìn loại thuốc nhưng danh mục thuốc bảo hiểm y tế chỉ có gần 900 hoạt chất tương đương hơn một nghìn loại thuốc cơ bản, như vậy còn rất nhiều thuốc sẽ không có trong danh mục, không được bán trong nhà thuốc bệnh viện, nhất là các thuốc hiếm, thuốc đặc trị. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần nghiên cứu mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế.

  • Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương Trần Thị Thanh Hóa cũng cho rằng, các bệnh viện tuyến cuối cần dùng thuốc đặc trị nhưng nếu không có bán trong bệnh viện vừa khó khăn cho bác sĩ kê đơn, vừa khổ cho người bệnh phải đi mua ở nhà thuốc trên thị trường với nhiều nguy cơ bị “thổi” giá và không bảo đảm chất lượng. Ngành y tế đang có lộ trình đưa thuốc biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ bản quyền sang đấu thầu với thuốc generic. Do cạnh tranh về giá, thuốc biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ bản quyền sẽ ít có cơ hội trúng thầu. Do đó, nhà thuốc bệnh viện sẽ hiếm thuốc biệt dược, trường hợp bị bệnh nặng cần dùng, người bệnh sẽ phải mua ở ngoài. Trong khi đó, tình trạng thuốc giả, kém chất lượng, giá cả không được kiểm soát trên thị trường là có, do lực lượng thanh tra của sở y tế còn mỏng. Khi không có nhà thuốc bệnh viện cạnh tranh thì nhà thuốc ở ngoài tha hồ “hét” giá, tăng giá khiến mục tiêu giảm giá cho người bệnh khó khả thi.

  • Chủ tịch Hội Dược học TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, không có quy định nào bắt buộc bác sĩ phải kê đơn thuốc trúng thầu. Quy định mới vô hình trung kiểm soát chuyên môn của bác sĩ khi phải kê đơn thuốc trong danh mục trúng thầu, từ đó, giới hạn quyền lợi của người bệnh. Giải pháp quan trọng là làm sao quản lý giá thuốc tận gốc. Khi quản lý tốt thì sẽ không có tình trạng cấm bán các loại thuốc ngoài danh mục đấu thầu như hiện nay. Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cũng cho rằng, việc một số bác sĩ băn khoăn thiếu thuốc đáp ứng nhu cầu người bệnh là có cơ sở, để giải quyết tình trạng này, cần kiểm soát tốt các nhà thuốc trên thị trường, bảo đảm chất lượng và giá cả để người bệnh yên tâm.

Chủ tịch Hội Dược học TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan

  • Bán thuốc theo danh mục trúng thầu và khống chế mức lãi tại các nhà thuốc bệnh viện là một trong các giải pháp để quản lý giá thuốc, nhưng cần đồng bộ với các giải pháp khác. Trong đó, quan trọng nhất là ngành y tế, bảo hiểm xã hội cần kiểm soát tốt giá trúng thầu tại các cuộc đấu thầu thuốc ở các địa phương. Nếu vẫn còn những cuộc trúng thầu giá cao bất thường mà cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn liên tục phát hiện ra như lâu nay thì nhà thuốc bệnh viện vô hình trung trở thành nơi bán thuốc giá cao công khai, làm lợi cho doanh nghiệp, nhất là thiệt hại cho người bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.