Để góp phần thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Bộ Y tế đã chỉ đạo cho các địa phương trên cả nước đến cuối năm 2011 phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP: Good Pharmacy Practices). Nhằm bảo đảm được vấn đề này, nhân viên nhà thuốc phải được nâng cao kiến thức cơ bản cần thiết.

– Trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, các nhân viên nhà thuốc có thể là nguồn lực giúp đỡ vô giá cho cộng đồng vì nhà thuốc thường là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầu tiên mà cộng đồng dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Để nâng cao năng lực nhân viên nhà thuốc trong việc cung cấp những thông tin trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng và giới thiệu khách hàng tới cơ sở y tế khi cần thiết, Dự án Nâng cao vai trò nhà thuốc trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng do Tổ chức Path (Program for appropriate technology in health) tài trợ cho các tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Vĩnh Long và thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu một bộ tài liệu và phương pháp giảng dạy, học tập có giá trị, mang tính thực tiễn để giúp tập huấn cho nhân viên nhà thuốc.

– Việc tập huấn cho nhân viên nhà thuốc sẽ tập trung vào nội dung cải thiện các kỹ năng thiết lập mối quan hệ với khách hàng, các chủ đề sức khỏe cộng đồng thường gặp và các quy định của nhà nước đối với hoạt động của nhà thuốc.

– Để tập huấn cho nhân viên nhà thuốc đạt được mục tiêu và hiệu quả mong muốn, giúp học viên nâng cao và thực hiện tốt các dịch vụ cung cấp thông tin và giới thiệu khách hàng về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà thuốc, các nội dung có liên quan đến những chủ đề sức khỏe thường gặp trong cộng đồng mà khách hàng hay đến nhà thuốc sẽ được quan tâm giới thiệu trong giảng dạy, học tập. Các vấn đề trên thực tế đối với sức khỏe mà cộng đồng người dân thường hay gặp phải là sốt, ho, tiêu chảy, tránh thai, viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, tăng huyết áp, tiểu đường, sơ cứu…
Các phương pháp tập huấn được sử dụng trong giảng dạy, học tập để đạt kết quả mục tiêu cần phải vận dụng nhiều cách khác nhau như thảo luận nhóm nhỏ và thảo luận nhóm lớn, trình bày, sắm vai, động não, trò chơi, nghiên cứu tình huống, dùng băng đĩa hình, tranh ảnh, trình diễn, làm việc nhóm nhỏ hoặc làm việc theo từng cặp…

– Trước khi tập huấn, giảng viên chuẩn bị sẵn kế hoạch bài giảng, phần giảng dạy chi tiết với các câu hỏi và các hoạt động để khuyến khích thảo luận và tạo môi trường học tập tích cực; sử dụng các tài liệu hỗ trợ giảng dạy và các tài liệu phát tay cho học viên.


Nhân viên nhà thuốc phải có kiến thức, kỹ năng cần thiết để tư vấn cho người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân

– Các vấn đề trên thực tế có liên quan đến sức khỏe thường gặp trong cộng đồng mà nhân viên nhà thuốc cần phải có trình độ, kiến thức và am hiểu rõ ràng để tư vấn tốt cho khách hàng trong nhiều tình huống có thể xảy ra khi tiếp cận là kỹ năng thiết lập mối quan hệ với khách hàng, thực hành tốt nhà thuốc, xử lý các trường hợp tiêu chảy, các biện pháp tránh thai và tránh thai khẩn cấp, xử lý các trường hợp sốt, xử lý các trường hợp ho, viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, tăng huyết áp, tiểu đường, sử dụng kháng sinh hợp lý, một số biện pháp sơ cứu… Những chủ đề này là một phần nội dung trong tổng thể các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và nó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau mặc dù nội dung của mỗi chủ đề có tính cách riêng biệt.

– Theo quy định của Bộ Y tế, một trong những tiêu chuẩn của thực hành tốt nhà thuốc (GPP) là: Chủ nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề dược và phải có mặt tại cửa hàng trong thời gian hoạt động. Nhân viên trực tiếp bán thuốc phải có bằng chuyên môn dược và thời gian thực hành nghề phù hợp… Nhân viên nhà thuốc phải tư vấn đúng, bảo đảm hiệu quả điều trị với người bệnh, không quảng cáo thuốc tại cơ sở trái với quy định và thực hiện bán thuốc theo đơn. 

– Quy định này gắn trách nhiệm của chủ nhà thuốc với cơ sở nhà thuốc có chứng chỉ hành nghề do mình quản lý trong việc điều hành về mặt chuyên môn nghiệp vụ của cửa hàng nên yêu cầu phải có mặt trong thời gian hoạt động. Thực tế vấn đề cần xem xét để thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế vì mấy khi chủ nhà thuốc có mặt tại nhà thuốc trong thời gian hoạt động mà thường chỉ giao khoán cho nhân viên nhà thuốc. Ngoài ra theo quy định, nhân viên nhà thuốc cũng phải có chuyên môn nghiệp vụ dược được đào tạo và có thời gian thực tế thực hành kỹ năng đủ để thực hiện trách nhiệm của mình vì phải tư vấn đúng những tình huống xảy ra, bảo đảm việc điều trị cho người bệnh có hiệu quả, không quảng cáo thuốc tại cơ sở trái với quy định để bán thuốc theo lợi nhuận của chủ nhà thuốc giao và phải nghiêm túc trong việc thực hiện việc bán thuốc theo đơn. Nếu chủ nhà thuốc không thường xuyên có mặt tại cửa hàng trong suốt thời gian hoạt động thì nhân viên nhà thuốc cần phải có đủ kiến thức, kỹ năng thực hành cần thiết để đảm nhận vai trò của mình, xử lý tạm thời các tình huống xảy ra sau khi đã được tập huấn, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ.

– Việc nâng cao vai trò của nhà thuốc trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng để góp phần thực hành tốt nhà thuốc tất nhiên có sự đóng góp nhiệm vụ không nhỏ của các nhân viên nhà thuốc. Vì vậy, trang bị kiến thức cho nhân viên nhà thuốc về những vấn đề sức khỏe thường gặp trong cộng đồng người dân là điều cần thiết mà ngành y tế ở tất cả các cơ sở, các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm thực hiện. Thực hành tốt nhà thuốc có một nội dung cùng đồng hành với nhà thuốc được khẳng định không thể thiếu là nhân viên nhà thuốc phải có đủ trình độ, kiến thức, kỹ năng thực hành về các vấn đề sức khỏe thông thường trong cộng đồng để bảo đảm những yêu cầu, tiêu chuẩn và mục tiêu chỉ đạo của Bộ Y tế về thực hành tốt nhà thuốc. Để góp phần “thực hành tốt nhà thuốc”, phải có “nhân viên nhà thuốc tốt”.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.