Thời gian gần đây, thông tin về tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả có xu hướng gia tăng đang gây ra nhiều hoang mang cho người bệnh… Chiều nay, 25-1, Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng về việc này?

Năm 2018, Bộ Y tế sẽ áp dụng chương trình quản lý thuốc nối mạng cả nước đối với các nhà thuốc, quầy thuốc

Theo đó, cung cấp thông tin đến báo chí, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định thông tin thuốc giả, thuốc kém chất lượng gia tăng là không hoàn toàn chính xác.

1.Buôn bán thuốc giả sẽ bị phạt tù tối thiểu từ 2 năm

Cụ thể, thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc bao gồm từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng. Khi đưa thuốc lưu hành trên thị trường, cơ sở sản xuất/ nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với chất lượng thuốc do cơ sở mình sản xuất.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên cả nước đều lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm từ năm 2015 đến nay cho thấy, tỷ lệ thuốc kém chất lượng dao động ở mức khoảng 1,5 – 2,0% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,05%, tức có giảm nhẹ so với những năm trước đó.

Dù vậy, để tăng cường kiểm soát chất lượng, nhất là với thuốc nhập khẩu, Cục Quản lý dược cho biết, Bộ Y tế đã thực hiện kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam. Qua đó, kịp thời phát hiện và ngăn chặn đưa ra thị trường các lô thuốc không đạt chất lượng.

Cụ thể, năm 2014 đã phát hiện 70 lô, năm 2015 phát hiện 6 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 2 lô thuốc và năm 2017 không phát hiện lô thuốc nào kém chất lượng. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đã định kỳ công khai, công bố danh mục các thuốc vi phạm chất lượng.

Về xử phạt, theo Cục Quản lý dược, Luật Dược sửa đổi 2016 đã quy định các hành vi bị cấm: kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc giả, kém chất lượng, đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hết hạn dùng. Ngoài ra Luật Hình sự quy định tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bị phạt tù từ 2 năm trở lên…

Thực hiện các quy định pháp luật, thời gian qua Cục Quản lý dược đã tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc, thực phẩm, trang thiết bị y tế…

Đối với các trường hợp thuốc giả phát hiện, Cục này đã có văn bản thông báo và phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế – Bộ Công an để tiến hành điều tra, truy tìm nguồn gốc sản xuất, kinh doanh thuốc giả; đồng thời xử phạt nặng các cơ sở vi phạm kèm theo hình thức bổ sung; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng.

2.Lập nhiều đoàn, kiểm tra đột xuất các công ty dược

Cũng theo Cục Quản lý dược, trong năm 2018, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch, đề xuất triển khai/ giám sát và ban hành các quy định mới về siết chặt việc sản xuất/ kinh doanh/ nhập khẩu thuốc nhằm đảm bảo sức khoẻ và quyền lợi của người bệnh.

Trong đó, ngoài việc việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, nội dung trọng tâm trong năm nay là việc Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng chương trình quản lý thuốc nối mạng cả nước đối với các cơ sở bán lẻ như nhà thuốc, quầy thuốc.

Theo Cục Quản lý dược, chương trình này đang tiến hành thử nghiệm và sẽ triển khai đến năm 2020. Với việc áp dụng nối mạng để quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc, Bộ Y tế kỳ vọng sẽ kịp thời quản lý được đường đi của thuốc, truy xuất nguồn gốc, kịp thời phát hiện thuốc giả.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin và thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng; cũng triển khai cho việc nối mạng của hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước để kịp thời thông tin về diễn biến tình hình thuốc.

Ngoài ra, Cục Quản lý dược sẽ tiếp tục tăng cường công tác tiền kiểm, hậu kiểm thuốc. Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong ngành y tế và các cơ quan liên quan, giữa trung ương với đại phương xây dựng và triển khai kế hoạch thanh kiểm tra về chất lượng thuốc.

Đặc biệt, năm 2018, Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành nhằm ngăn chặn việc nhập lậu, lưu hành thuốc bất hợp pháp, phòng chống thuốc giả, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ; xây dựng kênh thông tin để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh về các trường hợp nghi ngờ về chất lượng thuốc, thuốc giả.

 

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.